Mon, 06 / 2013 1:58 am | helios

Nhà sàn không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc, còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Tày (Lào Cai). Nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày (Lào Cai) trước hết thể hiện ở những kiểu nhà. Ảnh: Internet […]

Nhà sàn không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc, còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Tày (Lào Cai).

Nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày (Lào Cai) trước hết thể hiện ở những kiểu nhà. Ảnh: Internet

Không giống với phương cách sống du canh du cư của nhiều dân tộc thiểu số khác, người Tày sinh sống vùng đất Lào Cai luôn có tư tưởng ổn định về nơi ở, từ quan niệm đó đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa kiến trúc nhà sàn. Ngôi nhà sàn không chỉ là nơi cư ngụ truyền đời của gia đình, dòng họ người Tày mà còn là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày trước hết thể hiện ở những kiểu nhà. Kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày nơi đây tồn tại bốn kiểu khác nhau gồm: nhà Lều – là loại nhà có kết cấu đơn giản và sơ khai nhất của người Tày; nhà Quan ma là loại nhà sàn thường có 4 gian với đặc điểm cột được chôn sâu xuống đât, được biến thể từ kiểu nhà lều nhằm bảo vệ con người và vật nuôi khỏi thú dữ; nhà Cai tư là kiểu nhà biến thể tiếp của nhà Quan ma với đặc điểm thường có 5 gian (3 gian chính và 2 gian trái), cột nhà được kê bằng đá tảng; Nhà Con thong là loại nhà phổ biến nhất hiện nay.

Việc dựng ngôi nhà sàn cần rất nhiều công phu. Để chuần bị đủ nguyên liệu: cột, ván, sàn, cọ,… người ta phải vào tận rừng sâu, núi cao để kiếm tìm loại gỗ tốt lâu năm, thời gian lo nguyên liệu có thể vài ba tháng nhưng cũng khi tới cả vài năm. Nhà sàn có diện tích sử dụng rất lớn, chia thành các gian và mỗi gian đều có chức năng riêng: gian giữa dùng làm bàn thờ, để cầu nguyện ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình an lành, ấm no và hạnh phúc. Còn các gian phụ được dùng để sinh hoạt, để đồ đạc… Cầu thang lên nhà sàn làm bằng gỗ và thường có 9 bậc, mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ Tày. Gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất như cuốc xẻng, cày, bừa, nhốt gia súc, gia cầm. Trong ngôi nhà sàn, từ cách bố trí không gian thờ cúng tổ tiên, nơi tiếp khách, bếp núc cho tới buồng ngủ của mỗi thành viên trong gia đình đều thể hiện rõ phong tục, tập quán, nền nếp của đồng bào Tày.

 

Việc dựng ngôi nhà sàn cần rất nhiều công phu. Ảnh: Internet

Trong ngôi nhà Sàn phải kể đến nghệ thuật bài trí. Người Tày thường đặt 3 bếp: một bếp đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách và là nơi giữ lửa cho tất cả các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình; bếp thứ hai được đặt cạnh giường của người già với mục đích giữ ấm trong mùa đông; bếp cuối cùng dùng để chế biến thức ăn, bếp này thường được dựng ở một gian riêng.

Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc ngôi nhà sàn người Tày nơi đây là phong tục dựng nhà theo thỏi (tức dòng dõi, nguồn gốc xuất xứ). Họ đặt ra một quy định là nhà ở chỉ có một cửa ra vào ở đầu cầu thang lên xuống. Đi lên hết cầu thang bước vào cửa nhà, đi sâu vào trong nhà để ở. Từ đấy tất cả vật liệu để làm nhà bằng tre, nứa, gỗ… đều lấy đầu ngọn quay về cửa ra vào (vào ngọn, ở gốc). Đặc điểm này làm nên nét đặc trưng rất riêng biệt trong văn hóa dựng nhà của người Tày nơi đây với các dân tộc khác.

Từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác, những ngôi nhà sàn giản dị, mộc mạc đã trở thành nét đặc trưng cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Tày (Lào Cai)


Theo cinet

Bài viết cùng chuyên mục